Tới Việt Nam, xíu mại biến thể thành món thịt viên nấu trong sốt cà chua, ăn cùng bánh mì.
Ngày nay, viên xíu mại thường được kết hợp với một vài thành phần khác như trứng ốp la, pate, xúc xích, giò chả, dưa góp,… để tạo thành món bánh mì chảo cực kì hấp dẫn, ăn sáng, trưa hay tối đều cực kì hợp lý.
Cách Làm Xíu Mại Chi tiết cách làm xíu mại Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Củ đậu bạn gọt vỏ, rửa sạch, xắt sợi nhỏ hoặc hạt lựu. Bước này bạn bào củ đậu thì nhanh hơn.
Sau đó, bạn hấp hoặc chần sơ củ đậu tới khi thấy chín trong thì bỏ ra để nguội, vắt ráo rồi băm nhỏ. Nếu bạn bào sợi ngắn rồi thì không cần băm nữa.
Chúng mình cần vị ngọt tự nhiên từ củ đậu, sau khi làm chín vắt ráo, nó không ảnh hưởng tới độ kết dính của nhân thịt mà lại giúp nhân thịt mềm xốp.
Trong công thức xíu mại này, lượng củ đậu lên tới 50% tổng lượng thịt, bạn có thể giảm xuống nếu thích viên xíu mại “chắc” thịt hơn.
Phần cà chua bạn rửa sạch, bỏ hạt, xay nhuyễn. Bạn có thể bóc vỏ nếu thích sốt thật là mướt mượt. Ngược lại, nếu muốn sốt còn miếng miếng thì bạn khứa chữ thập lên vỏ cà, chần sơ cà để bóc vỏ. Sau đó bạn bỏ hạt cà, rồi băm nhỏ.
Rau mùi bạn rửa sạch, băm nhỏ phần thân. Lá để riêng để trang trí.
Khi mua thịt để xay, bạn nên chọn phần thịt vai (thịt nạc dăm) có dắt mỡ. Tỉ lệ thịt và mỡ có thể rơi vào khoảng 1:5 để viên thịt mềm mại, không bị khô.
Với giò sống, nếu loại bạn dùng có sẵn gia vị, khi nêm nếm bạn điều chỉnh lại một chút nha. Chúng mình cũng có thể dùng cá thác lác nạo, giò sống làm từ tôm, cá,… Tác dụng của nó là tạo độ dai nhẹ khi cắn vào viên xíu mại.
Bạn có thể trộn thêm một ít lạp xưởng thái hạt lựu cho món ăn thêm phần đặc biệt.
Bạn trộn đều thịt xay, giò sống, trứng, củ đậu, 2 thìa canh bột chiên xù, 1 thìa canh bột năng, 1 thìa canh thân mùi (ngò) băm, 1 thìa canh tỏi phi, 1 thìa canh dầu vừng (dầu mè), ½ thìa cà phê muối, ½ thìa canh hạt nêm, 1 thìa canh nước tương, ½ thìa canh đường, ½ thìa cà phê tiêu.
Sau đó, bạn ướp hỗn hợp trong khoảng 15-30 phút trong tủ lạnh.
Nếu không có máy trộn, bạn không nên dùng thìa hay đũa đảo mà nên dùng tay nhồi như nhồi bột, nhấc thịt lên quật xuống vài lần để hỗn hợp kết dính tốt, có độ dai chắc. Thao tác quật và nhồi tay tương tự như việc dùng máy quết thịt đó.
Nhân trộn xong phải dẻo dính thành một khối, hoàn toàn không ra nước.
Bột năng tạo độ kết dính, có thể thay thế bằng bột ngô hoặc bột khoai tây.
Gia vị của xíu mại rất linh hoạt. Ở đây, Thật Là Ngon lấy mùi thơm chủ yếu từ tỏi phi, thân mùi, dầu vừng, nước tương. Dầu vừng rất nên có. Còn đâu, bạn có thể điều chỉnh thành hành phi, nước mắm, dầu hào tùy sở thích nha.
Hành và tỏi trước khi ướp nên được phi thơm thì sẽ tạo ra mùi hương đặc trưng, hấp dẫn.
½ thìa canh đường cho 500g thịt là lượng không nhiều với một món ăn miền Nam, nhưng bạn có thể điều chỉnh theo ý thích nha.
Bạn viên thịt thành từng viên nhỏ cỡ 40-50 g, hoặc to nhỏ tùy bạn. Trong lúc viên, bạn đun một nồi nước sôi để hấp.
Bạn xếp thịt lên một cái đĩa sâu lòng có phết một lớp dầu mỏng. Thịt xếp chồng lên nhau cũng không sao.
Khi nước sôi mạnh, bạn hấp thịt trong khoảng 15-20 phút tùy kích thước viên thịt.
Bước 3: Nấu sốt cà chua
Bạn phi thơm hành tỏi rồi cho cà chua cô đặc (cà bát) vào xào. Nếu không có, bạn có thể thay bằng 1 muỗng canh tương cà ketchup hoặc bỏ qua.
Dù chỉ dùng một lượng rất nhỏ, cà chua cô đặc giúp các món sốt từ cà chua lên màu đẹp, dậy mùi thơm tự nhiên. Bạn mua về dùng để nấu bò sốt vang hay làm mì Ý rất ngon đấy.
Bạn trút cà chua xay nhuyễn vào xào, nêm 1 thìa canh đường, ½ thìa cà phê muối, ½ thìa canh hạt nêm. Cả xíu mại và sốt đều nên nêm hơi lạt một chút, khi ăn có thể chan kèm nước tương.
Sốt đun liu riu 15-20 phút nhỏ lửa cho các gia vị được hòa quyện.
Bước 4: Cách Làm Xíu Mại – Hoàn thành
Thịt hấp chín, bạn gắp thịt cho vào chảo sốt, trút toàn bộ nước thịt trong đĩa vào chảo. Chúng mình om ở lửa nhỏ thêm khoảng 5 phút để thịt ngấm sốt.
Nếu thích sốt sánh, bạn hòa 1 thìa bột ngô/bột năng với 2 thìa nước rồi xuống bột từ từ cho tới khi đạt độ sánh như ý.
Viên xíu mại ăn khi nóng hổi, chấm bánh mì hoặc kẹp bánh mì. Khi kẹp bánh mì, bạn dằm nhỏ viên thịt, rưới chút nước sốt, rắc ít tiêu, xịt tí tẹo nước tương, vài cọng mùi, vài lát ớt cay (nếu thích).
Viên thịt kết dính tốt, xốp mềm, cắn vào cảm nhận được độ dai chắc không bời rời, hòa quyện với sốt cà chua chua chua, ngọt ngọt, đậm đà.
*Ảnh: Nguồn Internet